Show Your Design, Share Your Knowledge & Get More

Hồng Ốc (The Red House), hay còn được gọi là Ngôi nhà Gạch Đỏ, nằm ở Bexleyheath phía đông nam London (Anh), là một tác phẩm tiêu biểu cho Phong trào Nghệ thuật Thủ công (Art & Craft Movement) và kiến trúc Anh thế kỷ 19. Hồng Ốc được xây dựng năm 1859, do kiến trúc sư Philip Webb (1831-1915) thiết kế cho bạn ông là William Morris (1834-1896). Phần trang trí nội thất được thiết kế bởi chính chủ nhân ngôi nhà, trong khi phần tranh tường và kính màu do họa sĩ Edward Burne-Jones (1833–1898) thực hiện. William Morris muốn xây dựng một ngôi nhà cho mình và người vợ mới cưới, Jane Morris (1839-1914). Ông cũng mong muốn có một “Cung điện nghệ thuật” (Palace of Art) để ông và bạn bè có nơi để cùng bàn bạc, thưởng thức các tác phẩm nghệ thuật. Ngôi nhà được xây bằng gạch đỏ với mái ngói dốc và được nhấn mạnh bằng việc sử dụng những vật liệu tự nhiên. Hồng Ốc là một công trình thể hiện phong cách sử dụng gạch và ngói nội địa, và là một công trình nằm trong danh sách Grade 1 thời bấy giờ.

Hồng Ốc, Ngôi nhà Gạch Đỏ. Ảnh: https://www.nationaltrust.org.uk

Trước khi xây dựng

Các phương án thiết kế Hồng Ốc được William Morris, Philip Webb và Charles Faulkner (1833-1892) thảo luận trong một chuyến chèo thuyền dã ngoại trên sông Seine năm 1859. William Morris đã quen Charles Faulkner tại Oxford và quen Philip Webb ở công ty kiến trúc mà chính ông cũng đã được học nghề tại đó. Morris bị ảnh hưởng nhiều bởi những gì ông đã thấy được trong kỳ nghỉ, và mong muốn có một ngôi nhà “mang tinh thần Trung cổ” (very medieval in spirit), một ngôi nhà đơn giản gợi nhớ lại hình ảnh những ngôi nhà nông thôn ở vùng Cotswolds chứ không phải theo lối kiến trúc cầu kỳ, kiểu cách theo kiểu Victorian như thị hiếu lúc bấy giờ. Thỏa thuận của ông với Philip Webb được thống nhất vào tháng Tư năm 1859.

Những ngôi nhà ở vùng nông thôn nước Anh. Ảnh: Internet

Một số công trình theo phong cách Victorian thời bấy giờ. Ảnh: Internet

Để lựa chọn khu đất xây nhà, William Morris đã đi một số nơi trước khi quyết định mua một vườn cây và đồng cỏ gần làng Upton, gần đó có ba hoặc bốn ngôi nhà được gọi là Hogs Hole. William Morris thích vùng nông thôn có không khí thoáng đãng, đất đai màu mỡ, và tốt nhất là có một con sông chảy qua. Upton đã đáp ứng gần như hoàn hảo mong muốn của ông. Vào năm 1868, các bản đồ khảo sát cho thấy Upton vào thời điểm đó là một vùng đất nông nghiệp và vườn cây, nằm giữa và tương đối biệt lập đối với các dự án bất động sản lớn của Danson và Blendon xung quanh nó. Ở khu vực gần Bexleyheath, các cửa hàng, trường học, nhà thờ chỉ mới bắt đầu xuất hiện, phát triển chậm chạp.

Vị trí công trình so với thành phố London

Hồng Ốc và William Morris

Ngôi nhà được mô tả là đã mang lại “một kỷ nguyên mới trong xây dựng nhà ở” (a new era in house building) và được Edward Burne-Jones mô tả như “nơi đẹp nhất trên trái đất” (the most beautiful place on earth). Khu vườn tạo nên phông nền cho ngôi nhà. Nhà có bốn mặt, được ngăn với bên ngoài bằng hàng rào lưới mắt cáo tô điểm bằng các loại hoa khác nhau.

Khu vườn tạo phông nền cho ngôi nhà. Ảnh: Internet

Thiết kế Hồng Ốc của Philip Webb chịu ảnh hưởng nhiều từ người thầy của mình là kiến trúc sư George Edmund Street (1824–1881). Tuy nhiên, sau sự thành công của Hồng Ốc, Philip Webb đã có thể định ra phong cách, hướng đi riêng cho chính mình. Phương án thiết kế đã tính đến số lượng cây bị chặt phá ít nhất, và người ta nói vui rằng quả táo có thể rơi vào nhà khi cửa sổ mở. Ngôi nhà được xây bằng gạch đỏ sẫm theo kiểu thức Anh. Nhà có hai tầng, mặt bằng theo hình chữ L. Mái nhà dốc đứng với các ống khói cao. Trên đỉnh mái gắn một chong chóng gió có vẽ chữ WM (viết tắt của William Morris), số 1859 và hình đầu một con ngựa.

Từ trái sang: KTS. George Edmund Street (1824–1881), KTS. Philip Webb (1831-1915), Hình chiếu trục đo Hồng Ốc. Ảnh: Internet

Mặt bằng Hồng Ốc. Ảnh: http://khanacademy.org

Mặt đứng hướng Bắc. Ảnh: Internet

Mặt đứng hướng Tây. Ảnh: Internet

Lối ra khu vườn, cửa sổ mái, chuồng ngựa. Ảnh: Internet

Ngôi nhà được xây bằng gạch đỏ sẫm theo kiểu thức Anh. Ảnh: Internet

Chong chóng gió trên đỉnh mái. Ảnh: Internet


Giếng và bản vẽ chi tiết. Ảnh: Internet

Cổng và đường vào ngôi nhà. Ảnh: Internet

Phần trang trí nội thất căn nhà thể hiện tài năng của William Morris. Các sản phẩm trang trí được gắn vào bề mặt gỗ và vữa xây. Trần phòng khách được mở lên đến mái với các mảng tường sơn hoa do Edward Burne-Jones thiết kế và thực hiện. Ông đã lấy cảm hứng từ khung cảnh lãng mạn thời Trung cổ của Sir Degravaunt, trong đó kết hợp hình ảnh William và Jane Morris như Sir Degravaunt và cô dâu của mình. Những hình ảnh đó đã làm dấy lên sự suy đoán của láng giềng. Ở giữa bức tường phía Nam ngôi nhà là tập hợp những tác phẩm của xưởng mỹ thuật Morris ở Red Lion Square. Philip Webb đã thêm vào một gác xép làm cho bức tường trở nên giống như một khu triển lãm kéo dài lên tận mái. Phía trên lò sưởi là một dòng chữ Latin “Nghệ thuật dài lâu, Cuộc sống ngắn ngủi” (Ars Longa Vita Brevis; Art is Long, Life is Short). William Morris đã nói rằng đây là “căn phòng đẹp nhất nước Anh” (the most beautiful room in England).

Trần phòng khách được mở lên đến mái. Ảnh: Internet

Phòng ăn. Ảnh: Internet

Lò sưởi với dòng chữ Latin “Nghệ thuật dài lâu, Cuộc sống ngắn ngủi”. Ảnh: Internet

Họa sĩ William Bell Scott (1811-1890) đã ghi lại trong tác phẩm “Tưởng Niệm” (Reminiscences) của mình: “Điều duy nhất bạn nhìn thấy từ xa là một ngôi nhà với gạch đỏ và mái dốc lớn”. Tài liệu tham khảo duy nhất về việc xây dựng còn lại là trong quyển “Bexleyheath” của Frank Buckland, trong đó viết: “Ngôi nhà được William Kent xây dựng rất tốt”. Những viên gạch màu đỏ đặc biệt đó cũng không biết rõ có nguồn gốc từ đâu. Phía trên cửa trước của ngôi nhà có dòng chữ Latin “Chúa che chở khi bạn đến và đi” (Dominus Custodiet Exitum Tuum et Introitum Tuum – God preserve your going out and your coming in).

Ở tiền sảnh có chiếc tủ có cửa bằng kính màu do William Morris và Edward Burne-Jones đóng. Trên cánh cửa là hình vẽ khung cảnh Nibelungen do Edward Burne-Jones thực hiện. Sàn nhà lát gạch đỏ sẫm. Các bức tường phòng ngủ lớn được treo tranh vải thêu, một nghề thủ công do William Morris dạy cho vợ mình. Thành quả là một tác phẩm nghệ thuật được chăm chút và nó đã nhận được sự ngưỡng mộ từ bạn bè, như nhà thơ Dante Gabriel Rossetti (1828–1882) có nhắc đến khi nói chuyện với nhà văn người Mỹ Charles Eliot Norton (1827–1908): “Tôi ước gì anh có thể nhìn thấy ngôi nhà mà William Morris đã xây cho mình ở Kent. Nó là một tác phẩm xuất sắc về mọi mặt, và hơn thế nữa, nó như là một bài thơ hơn chỉ là một căn nhà”.

Chiếc tủ có cửa bằng kính màu do William Morris và Edward Burne-Jones đóng. Ảnh: Internet

Tiền sảnh, hành lang. Ảnh: Internet

Cửa và chi tiết trang trí. Ảnh: Internet

Vải thêu trang trí trên tường. Ảnh: Internet

Chi tiết trang trí trên kính. Ảnh: Internet

Khu vườn cũng là một thành phần quan trọng, là ví dụ tiêu biểu cho ý tưởng thiết kế khu vườn như một loạt các phòng bên ngoài nhà. Các “phòng” ở đây bao gồm một vườn thảo mộc, một vườn rau và hai “phòng” với những hoa nhài, hoa oải hương, mộc qua và các loại cây ăn quả: táo, lê, anh đào.

Khu vườn Hồng Ốc. Ảnh: Internet

William Morris cũng đã tính đến việc mở rộng thêm hai cánh nhà để thêm chỗ ở cho gia đình Edward Burne-Jones, nhưng ông phải chuyển đến nơi ở mới trước khi kịp thực hiện điều này, thực tế là ông không xây được thêm một ngôi nhà nào nữa. Tuy nhiên, có thể nói rằng từ thời điểm này, sau những kinh nghiệm có được từ việc thực hiện trang trí nội thất cho Hồng Ốc, sự nghiệp thiết kế của William Morris mới thực sự bắt đầu.

Hội bạn Hồng Ốc (The Red House Circle)

Sau khi tốt nghiệp trường Marlborough và rời nhà mình ở Essex, trước khi chuyển đến Hồng Ốc, William Morris đã sống một vài năm ở Oxford, nơi ông được đào tạo kiến trúc và hành nghề kiến trúc sư trong một thời gian ngắn, và ở London, nơi ông làm việc như một họa sĩ. William Morris có khả năng kết nối và phát triển mạng lưới quan hệ xã hội rộng rãi và lâu dài. Ông đã hình thành quan hệ bạn bè với nhà phê bình nghệ thuật John Ruskin (1819-1900), nhà thơ và họa sĩ Dante Gabriel Rossetti, họa sĩ Edward Burne-Jones, kiến trúc sư Philip Webb, nhà toán học Charles Faulkner.

Nhóm bạn được hình thành từ sự quan tâm đối với các vấn đề nghệ thuật, mặc dù mỗi người thuộc mỗi ngành nghề khác nhau. Điểm chung đặc biệt là niềm đam mê, luyến tiếc lối sống thời kỳ Trung cổ (Medieval) và chán ghét xã hội công nghiệp hóa đương thời. Một số người là nghệ sĩ đã khẳng định được tên tuổi, một số vẫn còn đang tìm vị trí cho mình. Hầu hết bọn họ đều là những người trẻ, tài năng, sôi nổi.

Khi ngôi nhà hoàn thành, William Morris, Edward Burne-Jones và Dante Gabriel Rossetti đã lập gia đình và William Morris, Edward Burne-Jones bắt đầu có con. Hồng Ốc tạo nên cả một bước ngoặc trong cuộc sống của họ. Họ đã có dự định xây dựng Hồng Ốc thành nơi cho cộng đồng nghệ sĩ cùng chí hướng đến sống và làm việc cùng nhau. Mặc dù dự định này đã không thể thành hiện thực, nhưng khoảng thời gian 5 năm ở Hồng Ốc đã tạo dựng bước đầu cho việc thành lập một Công ty (The Firm)Morris, Marshall, Faulkner & Co. (1861–1875), và sau đó là Morris & Co. (1875–1940).

Công ty phát triển nhanh chóng. Các thành viên ban đầu là William Morris, Peter Paul Marshall (1830-1900) và Charles Faulkner, sau đó thêm vào Dante Gabriel Rossetti, Ford Madox Brown (1821-1893) và Philip Webb. Xưởng và văn phòng đặt tại số 8 Red Lion Square (London). Người ta mô tả công ty là “những người thợ thực hiện mỹ thuật tạo hình trên tranh ảnh, chạm khắc, vật dụng nội thất và kim loại”.

Từ trái sang: William Morris (1834-1896), Charles Joseph Faulkner (1833-1892), Edward Burne-Jones (1833–1898), Dante William Rossetti (1828–1882), Ford Madox Brown (1821-1893), Philip Webb (1831-1915). Ảnh: Internet

Ngày 25 tháng 3 năm 1862, May, con gái thứ hai của William Morris, ra đời. Ông càng trở nên bận rộn hơn bởi nhiều hợp đồng và thu nhập. Sản phẩm giấy dán tường đầu tiên của ông được in năm 1864. William Morris thấy rằng việc đi lại giữa Upton và London tốn nhiều chi phí và luôn gây cảm giác căng thẳng. Ông đã dự định chuyển toàn bộ xưởng mỹ thuật về Hồng Ốc, tuy nhiên, tài chính không cho phép ông thực hiện điều đó. Sau cùng, vào tháng 10 năm 1865, gia đình William Morris chuyển đến Queen Square ở London. Giấc mơ tạo nên một thế giới trung cổ tại Hồng Ốc đã ra đi cùng với ông mãi mãi, thời gian sau đó ông chưa từng một lần về thăm lại Hồng ốc.

Một số sản phẩm của Morris, Marshall, Faulkner & Co. và Morris & Co. Ảnh: Internet

Hồng Ốc thời kỳ sau William Morris

William và Jane Morris sống tại Hồng Ốc chỉ được 5 năm, trong khoảng thời gian đó họ có hai con gái là Jenny và May. Sau đó, vì lý do tài chính và công việc, họ buộc phải bán ngôi nhà vào năm 1865. William Morris tự hứa sẽ không bao giờ quay lại đây, vì ông sợ mình không thể cầm lòng được nếu nhìn thấy ngôi nhà một lần nữa.

Hồng Ốc được các gia đình sau đó sử dụng làm nơi ở trong khoảng thời gian gần 150 năm, và vẫn còn giữ lại nhiều chi tiết trang trí lúc đầu. Từ năm 1889 đến 1903, chủ sở hữu ngôi nhà là Charles Holme (1848–1923), nhà báo và phê bình nghệ thuật, người sau này thành lập The Studio, một tạp chí nghệ thuật đóng vai trò quan trọng đối với Phong trào Nghệ thuật Thủ công (Art & Craft Movement). Từ năm 1903, kiến trúc sư Edward Maufe (1883–1974), người nổi tiếng với công trình Nhà thờ Guildfort, sống với gia đình ông tại đây. Cha ông, Henry Maufe, mất năm 1910. Mẹ ông, Maude Maufe, sống tại đây cho đến khi bà qua đời năm 1919. Năm 1952, Ted và Doris Hollamby chuyển đến Hồng ốc. Họ đã cùng với các thành viên của hai gia đình khác là Toms và McDonalds phục hồi lại căn nhà cùng nhiều tác phẩm độc đáo của Phong trào Nghệ thuật Thủ công (Art & Craft Movement).

Hồng Ốc và bảng thông tin giới thiệu công trình ở cổng vào. Ảnh: Internet

Năm 2002, Hội Bảo tồn Di tích lịch sử Anh (The National Trust) đã mua lại Hồng ốc để thực hiện việc bảo tồn được tốt hơn, mở cửa cho công chúng tham quan và nghiên cứu khôi phục lại tình trạng ban đầu của ngôi nhà.
 
 
Nguồn tham khảo:
Report

Comments (0)

You must sign in or sign up to comment.
Projects:
Articles:
Linkers:
Hồng Ốc - Ngôi nhà Gạch Đỏ
 
Published : February 24, 2021
2953
0
0